Định Quán – Vùng đất của núi lửa ở Định Quán! Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mỗi khi đi ngang ql20 đoạn từ km98 đến km120 lại có những ngọn núi hình phễu ở hai bên đường không. Nếu bạn không để ý thì hôm nay nên để ý đi là vừa, để biết rằng quê hương thân yêu chúng ta vốn dĩ rất đặc biệt.
Hãy tưởng tượng cách đây hàng triệu năm, dưới sự tác động của địa chất mà đặc biệt là bên dưới lớp vỏ trái đất. Magma nằm dưới và liên tục sôi sục và chuyển động tìm cách trồi lên trên, và càng ngày “khối u” đó càng lớn dần cho đến một lúc thích hợp nào đó sẽ được phun lên trên. Hiểu đơn giản đó là cách để núi lửa hình thành và hoạt động.
Từ km98 hướng từ Tp.HCM lên Đà Lạt bên tay trái bạn sẽ thấy ngọn núi lửa đầu tiên, nó có hình phễu đặc trưng. Nếu như khi leo dốc 98 bạn không thể thấy nó trọn vẹn thì đừng nôn nóng. Khi đổ dốc 107 bạn sẽ bắt đầu thấy một ngọn núi lửa khác, đó chính là ngọn núi lửa 112. Tuy đã bị vạt xuống một bên do sự xói mòn theo thời gian nhưng vẫn sẽ thấy rõ ngọn núi có hình vòng cung chữ C rõ rệt. Đây cũng là ngọn núi lửa có nguy cơ sạt lở nên đừng thắc mắc khi có dự án di dời dân cư quanh nó, đối diện với ngọn núi lửa 112 nhìn về phía tay phải xa xa nơi cánh đồng thấp, bạn cũng sẽ thấy một ngọn núi lửa nằm cạnh một hòn đá nguyên khối rất to và hùng vĩ, nhưng chúng ta sẽ không thấy rõ đựợc nó đâu, vì vốn dĩ nó khá xa mà.
Đành vậy, ta lại tiếp tục dọc theo ql20 để đến với km 117. Hai bên đường từ km117 tới km120 bạn sẽ thấy núi lửa khá nhiều, nếu có thể hãy thử chinh phục chúng. Leo lên đến đỉnh nhìn xuống sẽ thấy một lỗ sâu hoắm, và ta cũng sẽ khó tưởng tượng rằng cách nay tầm 700.000 năm, nơi bạn đứng là một khối lửa khổng lồ đủ sức thiêu rụi bạn trong tích tắc. Nhưng hãy yên tâm vì ngày nay chúng đã tắt và được phủ xanh rồi, còn khi nào chúng thức dậy nữa thì…. chưa biết
Đấy là nói về núi, giờ hãy thử hình dung xem khi phun nó đã để lại những gì. Đá ong trong chúng ta chắc hẳn không xa lạ. Nếu bạn nhặt được một loại đá lỗ từa lưa như tổ ong, mà lại nhẹ hơn đá xanh bình thường bạn cầm, thường có màu đen thì chúc mừng bạn đã sở hữu được một phần của đợt phun trào núi lửa đấy. Đó chính là những magma sau phun trào đã nguội lại trong không khí, bản thân chúng bên trong chính là những lỗ khí mà trong quá trình làm nguội đã hình thành.
Hang dơi, chắc chắn dân địa phương thường biết tới, nổi bật nhất là hệ thống hang dơi trong rừng giá tỵ đã được nghiên cứu bởi Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam và Hội Hang động Berlin của Cộng hoà Liên bang Đức. Hệ thống hang cũng từng đựoc xếp hạng dài nhất Đông Nam Á. Hệ thống hang này hình thành chính là… dòng chảy của dung nham núi lửa. Tin tôi đi, đứng trước miệng hang bạn sẽ phải há hốc mồm đáy, trần hang hình vòm cung, thiên nhiên tạo nên nó rất đặc biệt, bạn cứ ngỡ ai lại xếp và mài những hòn đá ong để làm vòm như thế, nhưng không, dòng dung nham chảy qua đã tạo thành nó như thế đấy.
Đất đỏ Bazan (hay còn gọi là Ba-dan) là một loại đá magma được hình thành do quá trình phun trào lớp vật chất ở sâu trong vỏ trái đất. Theo quá trình phun trào của núi lửa, các lớp vật chất này được trào ra bề mặt trái đất và đông nguội hình thành nên lớp đất đỏ bazan. Và đặc biệt lớp đất này rất tốt cho sự phát triển cây trồng nhất là cây công nghiệp. Giờ thì bạn đã biết tại sao người Hoa ở Định Quán lại tập trung nhiều ở khu vực 115 – 120 rồi đấy. Khu vực này đất tốt cho tiêu, điều.v.v… trước đây trồng khá nhiều thuốc lá, cũng từng được đánh giá là rất ngon.
Định Quán, một vùng đất rất nhiều điểm đặc biệt, từ những hòn đá ba chồng kỳ dị nằm sát quốc lộ cho đến những ngọn núi lửa cao to. Chúng đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có cho vùng đất này. Rồi đây khu danh thắng Đá ba chồng sẽ được đầu tư và những ngọn núi lửa sẽ là điểm đến hấp dẫn du lịch mà không phải ai cũng biết, chắc có lẽ vì nó hơi…tốn sức để leo.
Quê hương vốn dĩ đẹp vậy, vậy thì tại sao không chinh phục quê hương khi còn có thể.